Trong bài viết tiếp theo nằm trong chuỗi series Dành cho người mới này, hãy cùng Genk đi qua những những điểm quan trọng của khái niệm vesting là gì nhé!
Tóm tắt
Vesting là gì?
Vesting là một khái niệm xuất phát từ thị trường tài chính truyền thống. Nhằm giữ chân và thúc đẩy những nhân viên chủ chốt đầu tư công sức và chất xám vào phát triển công ty, các doanh nghiệp thường trích ra một phần giá trị doanh nghiệp để ưu đãi họ.
Ví dụ như các nhân viên có thể được mua cổ phần của công ty với giá rẻ hơn trên thị trường giao dịch. Việc sở hữu một phần giá trị công ty chính là cách để khuyến khích họ gắn bó với doanh nghiệp.
Trong thị trường crypto, thời gian vesting, hay còn được biết đến là thời gian khóa token. Đây là khoảng thời gian mà lượng token do các nhà đầu tư, ban tư vấn, team phát triển dự án sở hữu hoặc được mở bán sớm trong các vòng ICO/IDO/IEO sẽ bị khóa.
Mỗi dự án sẽ có kế hoạch phân bổ token khác nhau, tùy vào mục tiêu và định hướng của họ. Lịch vesting sẽ được quy định trong Smart contract (hợp đồng thông minh). Khi thỏa các điều kiện, lượng token bị khóa trong hợp đồng sẽ tự động được phân bổ.
Vì sao Vesting lại quan trọng
Quá trình vesting cũng tương tự như việc kiểm soát lượng cung tiền tệ của Ngân hàng trung ương. Quỹ dự trữ (số tiền không lưu thông trên thị trường) của Ngân hàng trung ương càng lớn thì giá trị tiền tệ càng cao, và ngược lại, lượng tiền lưu thông trên thị trường càng nhiều thì giá trị của nó càng giảm.
Một nền kinh tế token khỏe mạnh là một nền kinh tế mà phần lớn token nằm trong “quỹ dự trữ” hoặc được nắm giữ bởi cộng đồng và không được đưa ra thị trường. Dự án cần có một kế hoạch phân bổ và lịch trình mở khóa token cụ thể và hợp lý để kiểm soát cũng như cân bằng giá và mức độ phổ biến của token đó.
Thông tin về lịch vesting của một dự án không chỉ quan trọng đối với team phát triển dự án mà còn cả với những nhà đầu tư.
Với team phát triển dự án
Nhìn vào tokenomics của các dự án blockchain, ta đều thấy rằng luôn có 1 phần token được phân bổ cho team phát triển dự án, partner, advisor. Việc để họ sở hữu một phần cổ phần dự án là cách tạo động lực để họ đóng góp và gắn bó với nó. Thông thường, token dành cho các thành viên nội bộ sẽ bị khóa lâu hơn, giúp họ có trách nhiệm hơn với dự án, cũng như tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các holder, tránh tình trang rug pull – khi team dự án xả token khiến token rớt giá.
Trong giai đoạn 2015-2016, lượng token cho dành cho team là khoảng 6-8% và hiện tại là 20-25%, đi cùng với đó là sự kéo dài trong lịch vesting của họ (từ 0-24 tháng lên 36-48 tháng). Điều này cho thấy các dự án đang ngày càng nghiêm túc hơn với mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.
Với nhà đầu tư
Đối với các nhà đầu tư, nhìn vào lịch vesting dự án có thể cho họ cơ sở để đánh giá mức độ tin cậy của team phát triển dự án: Liệu họ có thật sự quan tâm và đầu tư công sức để phát triển dự án? Họ sẽ gắn bó lâu dài với dự án hay chỉ có ý làm việc nghiêm túc lúc ban đầu, chờ cho token dự án lên giá để xả token và rời đi?
Token thường được vesting từng phần. Cách làm này giúp bảo vệ các nhà đầu tư khỏi việc token bị biến động giá mạnh. Hãy thử tưởng tượng nếu trong dự án có những “cá mập”, những nhà đầu tư sở hữu lượng lớn token dự án. Chỉ cần khoảng 20% token dự án nằm trong tay các cá mập, họ có thể dễ dàng thao túng giá token trên thị trường, gây ra những biến động mạnh trong nguồn cung token, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những investor hay holder khác
Ngoài ra, việc phát triển dự án đòi hỏi thời gian. Các nhà đầu tư sau khi theo dõi khả năng vận hành của dự án, họ có thể thay đổi ý định đầu tư. Khi đó, việc vesting sẽ cho họ thời gian để có cái nhìn ổn định hơn và đánh giá lại dự án.
Lời kết vesting là gì
Bên cạnh những yếu tố như tokenomics, team, backers,… thì vesting cũng là một thông tin cần nằm trong checklist khi nghiên cứu dự án. Bạn có thể tham khảo qua lịch vesting các dự án trên trang web VestLab.
Mình hy vọng bài viết trên của chuyên mục DEO NETWORK đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thuật ngữ vesting – một công cụ hữu ích khi nghiên cứu thị trường, đánh giá dự án.